Tuần làm việc 4 giờ

Hôm chủ nhật tuần rồi mình khá là rảnh rỗi, trời lại mát mẻ sau 1 cơn mưa buổi tối, nên mình lật lại quyển sách mình đã đọc mấy lần trước đây: "Tuần làm việc 4 giờ" của Timothy Ferriss. Cuốn sách này có lẽ không chỉ tạo cảm hứng đối với 1 freelancer như mình, mà còn cho những người đang có ý định khởi nghiệp mà vẫn duy trì được khoảng thời gian cần thiết cho những điều quan trọng trong cuộc sống.

Đọc sách là cảm hứng lý thuyết thôi. Nhớ ghi chú lại ý tưởng mới để thực hành nhé.


Nội dung chính của cuốn sách là hành trình một người đàn ông 9-5 (làm việc từ 9h sáng tới 5h chiều) đã thoát khỏi cuộc sống công sở như thế nào, và dùng tự động hóa cũng như các lợi ích của toàn cầu hóa để làm đơn giản hơn cuộc sống của mình, cùng với phân tích Quy luật 80/20 và Định luật Parkinson để có thể tập trung vào những thứ quan trọng mang lại hiệu quả.

Định luật Parkinson: “Công việc luôn tự mở rộng ra để chiếm đủ thời gian được ấn định cho nó.”

Lấy ví dụ cụ thể về Parkinson: việc check email liên tục từ sáng tới tối xem ra có vẻ rất quan trọng và gấp rút, nhưng nếu chỉ check mail và trả lời toàn bộ 2 lần (vào 2 mốc thời gian tối ưu nhất sau khi xem xét xem email nào thực sự ảnh hưởng lớn tới kết quả làm việc) thì sẽ tiết kiệm được 80% và tâm trí trong ngày cũng như đạt được hiệu quả tương tự như check email cả ngày. Nếu quy đổi thành đơn giá theo giờ lao động, thì bạn đã tiết kiệm được rất nhiều tiền.

Quy tắc 80/20 (Pareto): "80% kết quả bạn thu được chỉ xuất phát từ 20% những gì bạn bỏ ra."

Ví dụ về 80/20: Nếu bạn xem xét lại các khách hàng bạn đã từng làm việc cùng và có vẻ như đều quan trọng của bạn, thì bạn sẽ thấy chỉ 20% trong số khách hàng đó đem lại 80% thu nhập cho bạn. Những khách hàng còn lại có thể bao gồm những người ít đặt hàng nhưng lại có quá nhiều thắc mắc trước khi đặt hàng, yêu cầu oái oăm, và tranh cãi với bạn khiến bạn để tâm cả ngày và không hiệu quả. Nên tập trung vào 20% khách hàng quan trọng thôi. 80% còn lại có thể cư xử một cách bình thường (nhưng vẫn cần đảm bảo chuyên nghiệp) hoặc loại bỏ để tránh mất thời gian và tinh thần.

Hiện tại 19% khách hàng của mình chiếm 75% tổng doanh thu trong năm ngoái. Thực tế cũng gần giống lý thuyết ha.

Khi đã kiểm soát được khung thời gian của mình một cách hiệu quả, bạn có thể sử dụng phần lớn thời gian còn lại để thực hiện những thứ thú vị và ý nghĩa hơn với cuộc đời mình.

À quên nữa, cuốn sách này không nói về Parkinson và Pareto đâu, nội dung của nó là hành trình áp dụng đủ thứ ý tưởng hay ho của ổng để kinh doanh. Ai tò mò thì đọc sách đi hihi. Mình chỉ lấy ví dụ từ trải nghiệm trong cách theo dõi thông tin và với khách hàng của mình thôi.

Tự động hóa

Tự động hóa mà Timothy nói là sử dụng lao động ở các nước đang phát triển với chất lượng ngang bằng và mức giá rẻ hơn (chỉ bằng 1/10 nước ổng) để phục vụ cho công việc của ổng.

Hôm qua đọc lại phần này mình cảm thấy đã sáng mắt ra một chút, và tự hỏi tại sao bên cạnh việc thuê người phụ việc hằng ngày, mình không thuê thêm 1 người để trả lời tin nhắn khách hàng của mình khi mình đang ngủ nhỉ? Mình không thể ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi ngày được. Hồi nhỏ bỏ học IT một phần cũng do thiếu ngủ quá nên sợ nhanh già hehe.

Nên hôm nay mình đã liên hệ với 1 số trợ lý ảo (virtual assistants) từ nhiều nước. Có thể mình sẽ bắt đầu thuê vào 3 ngày tới. Các freelancer mục tiêu là từ các nước sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ bản địa (Phillipines) hoặc Jamaica (vừa dùng tiếng Anh vừa cách số múi giờ đủ để họ làm việc lúc mình ngủ).

Nếu cách này hiệu quả có thể thời gian tới mình không cần bận tâm về số lượng công việc tiềm ẩn bị mất đi lúc mình đang nấu ăn hoặc ngủ hoặc đi chơi hoặc xem chồng chơi game PS4 hoặc coi clip youtube cùng chồng vào buổi tối nữa.

(Mấy đứa quá nhác luôn có thể tìm ra cách tốt hơn để bớt làm việc càng nhiều càng tốt.)

Mà cũng không phải tự nhiên mình lại nảy ra ý định này. Hôm chủ nhật, với ý tưởng từ nội dung sách, mình cũng đã kiểm tra lại lượng khách hàng mới nhắn tin theo các khung giờ khác nhau trong ngày (tùy thời gian làm việc và múi giờ khác nhau theo nước mà họ sinh sống):

Thống kê 1 năm gần nhất

Khách sẽ cần dịch vụ của bạn ngay cả khi bạn đang ngủ, và nếu không trả lời trong vòng 2 tiếng thì xác suất khách đặt hàng sẽ giảm dần tiến tới 0, trừ khi khách thích bạn tới nỗi không liên lạc với designer nào khác ngoài bạn khi họ cần 1 design gì đó (cái phần 2 tiếng này là mình học từ 1 khóa trên Skillshare, chắc cũng là kinh nghiệm xương máu của tutor). 

Giả sử bạn mới nghĩ ra 1 nhân vật hoạt hình và thấy nó quá sức hay, thì bạn sẽ muốn có nó ngay lập tức, nên bạn liên hệ với 10 designer khác nhau (với style, mức giá tương tự nhau và đúng ý bạn). Người trả lời nhanh nhất, thân thiện nhất sẽ có được đơn hàng - có thể chỉ trong vài tiếng sau đó. 

À cái này là trải nghiệm của mình thôi, với các freelancer khác có thể sẽ khác.

Sau khi thống kê xong thì mình phát hiện ra tại sao khách hàng gần đây lại giảm đi. Thay vì trả lời tin nhắn cả ngày như trước, từ lúc cưới xong tới giờ, mình khá là bị xao nhãng (không nhiều lắm, nhưng cũng có vài việc nhà, và nấu ăn, mình làm mấy việc này rất chậm huhu) và chỉ trả lời khách ngay lập tức trong 7h-10h sáng, 14h-18h chiều. Như vậy 13 tiếng còn lại mình đã bị mất đi một số lượng khách hàng mới đáng kể (50%) đến từ nước cách mình 12 tiếng. Chưa kể trong đó, số lượng khách có khả năng order lúc mình hoàn toàn ngủ - tức là chắc chắn không trả lời ngay được (1h tới 6h sáng) là 20% trên tổng số khách mới gửi tin nhắn.

Mà mình thì không thể thức cả ngày được, và mình quá nhác. Cần phải tự động hóa thôi.

Tự động hóa cũng sẽ giữ chân được 20% khách hàng quan trọng hiện tại mà mình bớt phải ngồi ở máy tính hơn.

Đa dạng hóa

Thực ra hôm qua mình đọc phần cuối sách trước, phần nói về bạn nên dành cuộc sống để làm gì khi đã quá rảnh. Tác giả hướng dẫn chủ yếu về việc luyện não (đừng để não chết khi rảnh), du lịch, học ngoại ngữ, thi đấu thể thao, học nhạc cụ... toàn mấy thứ hay ho hehe.

Dạo này ngoài 1 tiếng rưỡi bắt buộc hàng ngày phải làm việc (trả lời tin nhắn khách, trả design, sửa design các thứ, tìm khách mới), thì trong vòng 2 tháng qua mình đang tìm cách tối ưu SEO cho các sản phẩm print on demand của mình để tăng sale. Nhưng việc lặp đi lặp lại 1 việc hàng ngày hình như làm mình càng ngày càng bị ì hơn - cảm thấy không có nhiều tiến triển, và mất cảm hứng.

Nên từ tuần này mỗi ngày mình sẽ lên kế hoạch làm 1 thứ khác nhau. Đằng nào thì mình cũng có 5 mục tiêu hiện tại cần làm mà. Nếu theo dõi mỗi hạng mục theo tuần thì sẽ thấy tiến triển hơn là xem hàng ngày và cảm thấy nản.

Mình cũng đăng ký lớp học piano để tuần sau bắt đầu học rồi. Cảm thấy tự học ít tiến triển quá - trình độ của mình từ lớp 5 tới giờ hầu như hổng tăng lên gì hết.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tự xuất bản cuốn sách thiếu nhi đầu tiên của bạn với chi phí 0 đồng trên Amazon KDP và IngramSpark

4 tháng rưỡi học tiếng Pháp.

Một tháng thành công